Ấn phẩm ‘Tech Cities’ (Thành phố công nghệ) của bộ phận Nghiên cứu toàn cầu Savills vừa xếp New York là trung tâm công nghệ hàng đầu thế giới. Môi trường kinh doanh, nguồn nhân lực, lối sống và liên kết giao thông thuận tiện đã thu hút các công ty hàng đầu đến đặt trụ sở tại thành phố này.
Đơn vị nghiên cứu này đánh giá các yếu tố làm nên một Thành phố công nghệ theo 100 tiêu chí riêng biệt, từ số ngày cần để khởi nghiệp cho đến chi phí của một ly cà phê. Các tiêu chí này được phân thành sáu nhóm chính: môi trường kinh doanh, môi trường công nghệ, mức độ sôi động và lành mạnh của thành phố, nguồn nhân lực, chi phí mua bất động sản Mỹ và mức độ thuận tiện trong di chuyển. Mỗi nhóm tiêu chí được đánh trọng số tương ứng với tầm quan trọng của nhóm tiêu chí đó đối với lĩnh vực công nghệ.
Theo sau New York là San Francisco, London, Amsterdam và Boston. Các thành phố này lần lượt lọt vào top 5 thành phố công nghệ toàn cầu. Đây là lần đầu tiên, đơn vị nghiên cứu này xét đến yếu tố ‘mức độ thuận tiện trong di chuyển’ trong bảng xếp hạng Thành phố công nghệ.
Ba yếu tố khi đánh giá ‘mức độ thuận tiện trong di chuyển’ được chỉ ra gồm tính sẵn có, mật độ và mức đầu tư vào các dịch vụ giao thông chia sẻ, quy mô và mức độ đổi mới trong hệ thống tàu điện ngầm thành phố và chất lượng cơ sở hạ tầng đô thị.
Ở khía cạnh này, xét một cách tổng thể thì London hiện đứng đầu trong các thành phố công nghệ. Hệ thống giao thông công cộng của London có dịch vụ bán vé thông minh (qua di động, thanh toán không tiếp xúc), được tích hợp trên tất cả các phương tiện giao thông (từ đường sắt đến xe buýt). Tuy vậy, ô nhiễm vẫn là một vấn đề lớn đối với thành phố này. Mặt khác, việc nâng cấp hệ thống tàu điện ngầm lâu đời nhất thế giới hiện đang đối mặt với nhiều thách thức.
Nicky Wightman, Giám đốc Xu hướng khách thuê toàn cầu tại Savills, cho biết tuy London được đánh giá cao nhất trong ‘mức độ thuận tiện trong di chuyển’, xếp hạng của thành phố này trong mảng các phương tiện giao thông chia sẻ thấp hơn so với dự kiến. “London cũng có thể học hỏi nhiều từ các thành phố châu Á và cải thiện vấn đề này. Ngược lại, các thành phố công nghệ tại châu Á và Mỹ có thể học hỏi từ London và các trung tâm công nghệ châu Âu khác về cách cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng đô thị và nâng cao tính bền vững của mạng lưới giao thông”, ông Wightman nhận định.
Trong khi đó, một xu hướng mới cũng được đơn vị này chỉ ra đó là sự trỗi dậy của các Thành phố công nghệ ở Trung Quốc. Tuy chỉ xếp hạng khoảng giữa bảng, các thành phố này hiện đang thu hút nhiều vốn đầu tư mạo hiểm hơn so với các thành phố tại Mỹ.
Ông Paul Tostevin, Phó giám đốc nhóm Nghiên cứu Toàn cầu của Savills, cho biết từ năm 2012 đến nay, tỷ lệ vốn đầu tư mạo hiểm vào các thành phố tại Mỹ trên tổng số 30 Thành phố công nghệ đã giảm từ 40% xuống 28%. Cũng trong giai đoạn đó, tỷ lệ này của các thành phố tại Trung Quốc tăng từ 11% lên đến 36%.
“Tuy Bắc Kinh là nơi được nhận được lượng vốn đầu tư mạo hiểm lớn nhất, nhưng chúng tôi xếp hạng Thượng Hải cao hơn bởi đây được đánh giá là một thành phố công nghệ tầm thế giới hơn, nhờ các yếu tố như môi trường kinh doanh quốc tế và chất lượng cuộc sống tốt hơn cho cư dân”, ông Tostevin cho biết.